:

Câu hỏi phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Belarus tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Uladzimir Baravikou nhân dịp Quốc khánh Cộng hòa Belarus ngày 03 tháng 7

16.08.2023 г.

Thưa Ngài Đại sứ, chúng tôi rất vui mừng khi Ngài dành thời gian cho bài phỏng vấn với Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu ngày hôm nay. Trước hết, ông có thể cho độc giả của tạp chí biết về tình hình phát triển của đất nước Belarus hiện nay?

Trong thời gian gần đây, đất nước chúng tôi đã phải chịu áp lực chưa từng có và các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nhằm thay đổi hệ thống chính trị do nhân dân chúng tôi lựa chọn, thay đổi con đường phát triển và chính sách đối ngoại độc lập của chúng tôi. Tuy nhiên, hai năm qua đã cho thấy, đất nước chúng tôi cùng với các đồng minh và bạn bè đương đầu thành công với thách thức này.

Bất chấp những dự báo của phe đối lập của chúng tôi, nền kinh tế đất nước đã không bị sụp đổ. Đến cuối năm 2022, tổng GDP của Belarus đạt 95,3% so với năm ngoái. Tính theo đồng đô la, tăng trưởng GDP danh nghĩa đạt 104,8% (năm 2022, GDP đạt 73,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,4 tỷ USD so với năm 2021).

Cán cân thương mại có thặng dư về hàng hóa và dịch vụ đã đạt được 4,3 tỷ đô la Mỹ.

Tình hình thị trường ngoại hối và cung ngoại tệ ròng ổn định.

Trong quý đầu tiên của năm 2022, lạm phát gia tăng đáng kể do tác động của các yếu tố chủ yếu là bên ngoài, sau đó đã giảm được đáng kể cường độ. Điều quan trọng nhất là thu nhập thực tế của người dân không bị giảm đi

Số liệu thống kê 5 tháng đầu năm nay cho thấy, nền kinh tế đất nước chúng tôi đã thích ứng với thực tế mới. Chúng tôi đang thể hiện mức tăng trưởng kinh tế một cách ôn hòa và đã chuyển hướng thành công dòng chảy thương mại.

Tất cả là công lao của Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Grigorievich Lukashenko và người dân của chúng tôi, những người đã tập hợp sức mạnh đoàn kết như trước đây trong giai đoạn khó khăn, vì lợi ích của đất nước của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh của các bạn đã từng nói “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thì trước câu hỏi của Nguyên thủ quốc gia của chúng tôi, liệu người dân có sẵn sàng trả giá cho nền độc lập của mình hay không, đã nhận được câu trả lời chấp thuận.

Chúng tôi đã bảo vệ chủ quyền của mình, gìn giữ hòa bình trong nước và sự hài hòa trong xã hội.

Có thể nói, Belarus là đất nước với thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hậu và thân thiện. Ngài có thể cho chúng tôi biết cảm nhận của Ngài về đất nước và con người Việt Nam? Ngài có thấy sự tương đồng nào đó giữa hai quốc gia, dân tộc hay không?

Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Vẻ đẹp của thiên nhiên và các di tích kiến ​​​​trúc rất ấn tượng, khiến cho ngay cả những du khách khó tính không thể thờ ơ. Vịnh Hạ Long và Quần thể Danh Thắng Tràng An được công nhận là di sản thiên nhiên.

Người Belarus biết rõ và yêu thích các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam. Họ thích thời tiết của Việt Nam, các dịch vụ phổ biến và nhiều lợi thế khác so với các quốc gia khác.

Như tôi đã thấy, người Việt Nam là những người rất thông minh và chân thành. Và điều này cho thấy chúng ta rất giống nhau. Chúng ta cởi mở, chăm chỉ và hiếu khách. Lịch sử của hai quốc gia đã làm cho nhân dân chúng ta trở nên mạnh mẽ — dân tộc của hai nước chúng ta đã chiến thắng những kẻ xâm lược, bảo vệ tự do và quyền được sống theo luật lệ của mình mà không cần mệnh lệnh từ bất kỳ bên nào.

Hai nước chúng ta có mối quan hệ hữu nghị chân thành, bắt nguồn từ thời Liên Xô. Hàng ngàn công dân Việt Nam đã học tập và làm việc tại Belarus trong thời kỳ Xô Viết, và người dân Belarus đã có những đóng góp nhất định đối với Việt Nam trong thời kỳ mới.

Câu ca dao của chúng tôi: “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai” có một ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ giữa hai nước chúng ta. Vào tháng 12 năm 2021, Belarus đã chuyển giao cho Việt Nam chuyến hàng viện trợ nhân đạo hơn 15 tấn, bao gồm các thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân. Về phía mình, Việt Nam đã trao tặng các bộ xét nghiệm coronavirus cho Belarus. Sự hỗ trợ lẫn nhau này có ý nghĩa rất lớn.

Năm ngoái hai nước chúng ta đã tổ chức Kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân tới Minsk

Chúng tôi đánh giá cao quan hệ hữu nghị với Việt Nam và nỗ lực đưa quan hệ của hai nước chúng ta lên tầm đối tác chiến lược.

Belarus đang trên con đường hội nhập và phát triển sâu rộng, như tôi được biết, Belarus là thành viên của rất nhiều các tổ chức quốc tế và khu vực. Vậy hiện nay, Belarus đang theo đuổi một chính sách đối ngoại như thế nào để có thể dẫn dắt các tiến trình hội nhập của đất nước thành công như vậy?

Belarus ngày nay là một quốc gia có chủ quyền ở Châu Âu đang thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tích cực phát triển hợp tác với các đồng minh chiến lược và đối tác nước ngoài ở các khu vực khác nhau trên thế giới, là một trong những quốc gia khởi xướng và tham gia tích cực vào các cấu trúc và dự án hội nhập khu vực, đóng góp đáng kể vào việc củng cố an ninh và ổn định quốc tế.

Kiên định bảo vệ quan điểm hội nhập, Belarus có lập trường tích cực và mang tính xây dựng đối với sự hình thành thống nhất trong không gian hậu Xô Viết — Liên minh kinh tế Á-Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Năm 2023, Cộng hòa Belarus đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Phương châm của Belarus với tư cách Chủ tịch là “Thông qua đoàn kết và hợp tác hướng tới hòa bình và an ninh”. Trong bối cảnh khủng hoảng mang tính hệ thống trong quan hệ quốc tế, cùng nhiều thách thức và mối đe dọa an ninh đang diễn ra trong khu vực CSTO, các mục tiêu cơ bản trong nhiệm kỳ chủ tịch của Belarus là: về đối nội: tăng cường sự gắn kết của các quốc gia thành viên CSTO và giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhằm củng cố Tổ chức, bảo đảm an ninh, ổn định trong khu vực mà Tổ chức phụ trách; về đối ngoại — tăng cường vai trò và tầm quan trọng của CSTO trong hệ thống quan hệ quốc tế, cũng như sự phù hợp toàn diện của các hoạt động của CSTO đối với bối cảnh an ninh khu vực và toàn cầu. Để tăng cường vị thế quốc tế của Belarus, chúng tôi đang nhanh chóng đăng ký tư cách thành viên chính thức của đất nước chúng tôi trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động chính sách đối ngoại của Belarus là ngoại giao đa phương. Đất nước chúng tôi cố gắng góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu, chống lại những thách thức và mối đe dọa hiện nay, có truyền thống tích cực tham gia vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, đề xuất cách tiếp cận và các sáng kiến của các chương trình nghị sự ​nhằm thống nhất tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy đối thoại và vượt qua các ranh giới chia rẽ.

Năm 2022, Belarus được công nhận là quan sát viên trong Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á — Thái Bình Dương (ESCAP).

Trong bối cảnh áp lực kinh tế và chính trị chưa từng có mà Belarus đang chịu từ Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, quan hệ với họ đã chuyển từ quan hệ đối tác và cùng có lợi sang đối đầu gay gắt. Đồng thời, Belarus vẫn sẵn sàng đối thoại với các nước phương Tây để đi vào quỹ đạo hợp tác tích cực, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư.

Trong một thế giới có nhiều biến động như hiện nay, hoà bình, ổn định và phát triển đang là xu hướng chủ đạo mà nhiều quốc gia muốn hướng tới, trong đó có cả Belarus và Việt Nam. Là quốc gia ở châu Âu, Belarus có nhìn nhận gì về vấn đề an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu trong bối cảnh mới hiện tại?

Tôi đồng ý với bạn. Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới rất phức tạp và mong manh.

Đất nước chúng tôi phản đối việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương như một công cụ cưỡng chế chính trị và kinh tế. Chúng tôi cho rằng những biện pháp như vậy nên bị bãi bỏ vì vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và hệ thống thương mại đa phương. Các biện pháp đó ảnh hưởng tiêu cực đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của các quốc gia mà chúng nhắm đến và vi phạm các quyền cơ bản của con người. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu, bởi vì Chương trình nghị sự 2030 đang bị đe dọa trên toàn thế giới do việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Một vấn đề khác do việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương gây ra và hiện đang được đặc biệt quan tâm là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Liên quan đến tình hình trên lục địa của chúng tôi, tôi muốn lưu ý rằng, trong suốt thời kỳ độc lập, đất nước chúng tôi đã đóng vai trò là nhà bảo trợ an ninh ở Châu Âu. Chúng tôi chưa bao giờ là mối đe dọa cho các nước láng giềng của mình. Cho dù phe đối lập của chúng tôi có nói như thế nào.

Tất cả các quyết định mà Nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo đất nước chúng tôi đưa ra đều có một mục tiêu duy nhất — giữ gìn và bảo vệ hòa bình trên đất nước của chúng tôi. Trên lãnh thổ đất nước chúng đang triển khai một nhóm lực lượng chung Belarus-Nga nhằm tăng cường bảo vệ biên giới quốc gia, tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật của lực lượng vũ trang, triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus- tất cả các hoạt động đang diễn ra này nằm trong khuôn khổ pháp lý và, theo chúng tôi, có khả năng “làm nguội đầu” những kẻ bị ám ảnh bởi một quốc gia ổn định và gắn kết với quan điểm riêng về chương trình nghị sự quốc tế và trong nước.

Tất nhiên, an ninh là không thể chia cắt được. Và an ninh của một quốc gia không được đánh đổi bằng sự an toàn của quốc gia khác. Về vấn đề này, trở lại năm 2017, trước sự “xuống cấp” của hệ thống an ninh ở Châu Âu và những xu hướng tiêu cực trong quá trình phát triển ở các khu vực, Tổng thống nước chúng tôi Alexander Grigoryevich Lukashenko đã đưa ra sáng kiến ​​tiến hành các cuộc đàm phán mới về an ninh trên lục địa với sự tham gia của các cường quốc hàng đầu thế giới — được gọi là “Helsinki-2”. Tuy nhiên, lời kêu gọi này của một đất nước yêu chuộng hòa bình đã không được chấp nhận.

Một lần nữa tôi xin nhắc lại. Chúng tôi biết cái giá của hòa bình, lịch sử đã dạy chúng tôi điều này. Và chúng tôi sẵn sàng một lần nữa đóng vai trò trung gian hòa giải để đạt được hòa bình trên lục địa, là nhà bảo trợ cho sự ổn định và an ninh ở Châu Âu.

Thưa đại sứ, châu Á, cụ thể là Đông Nam Á có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Belarus? Những định hướng ưu tiên của Belarus cho khu vực này là như thế nào trong tương lai?

Trong bối cảnh chính sách không thân thiện của phương Tây, Belarus đang từng bước mở rộng tầm nhìn kinh tế đối ngoại của mình ở khu vực châu Á. Sự quan tâm đến khu vực này như một thị trường tiềm năng, phát triển nhanh và đầy hứa hẹn là điều hợp lý và dễ hiểu. Các nước châu Á có quan điểm rất cân bằng đối với những gì đang xảy ra trên thế giới, đồng thời họ cũng đối xử với Belarus và chính sách của chúng tôi bằng sự thấu hiểu. Điều này rất quan trọng.

Xét đến việc có vẻ như chúng tôi sẽ phải sống chung với các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong một thời gian dài, các doanh nghiệp xuất khẩu của Belarus chắc chắn sẽ phải học cách làm việc có hệ thống hơn ở các thị trường châu Á và nỗ lực chuyển hướng sang khu vực này. Tổng thống của chúng tôi đã đặt ra nhiệm vụ này cho chúng tôi.

Việc Belarus mở các cơ quan đại diện ngoại giao tại các trung tâm tài chính và kinh tế quan trọng của Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc, cụ thể là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Mumbai và Hồng Kông, sẽ tạo thêm động lực cho chính sách “chuyển hướng sang châu Á”.

Tôi cho rằng, cái gọi là “chuyển hướng sang châu Á” có thể coi là một trong những động lực quyết định tương lai kinh tế của đất nước chúng tôi.

Có tính đến những thành công ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát triển kinh tế — xã hội và nâng cao uy tín quốc tế, Việt Nam có thể trở thành bàn đạp cho sự phát triển và hợp tác trên toàn khu vực Đông Nam Á đối với Belarus.

Và tôi thấy nhiệm vụ chính của chúng tôi là chuyển đổi mức độ tương tác cao trong lĩnh vực chính trị thành việc làm sâu sắc hơn và xây dựng các mối quan hệ kinh tế và thương mại. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai công việc trên quy mô lớn theo hướng này, nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp của chúng tôi và các đối tác nước ngoài của họ, đồng thời tìm kiếm các dự án mà đất nước chúng tôi có thể tham gia.

Quan hệ Việt Nam và Belarus là quan hệ hữu nghị, hợp tác và thân thiện. Mối quan hệ ấy không ngừng được củng cố và tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Dưới góc độ của ngài, quan hệ Việt Nam – Belarus có những thành tựu gì cần nhấn mạnh?

Không còn nghi ngờ gì nữa, những cột mốc chính trị quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta là những chuyến thăm ở cấp cao và cấp cao nhất. Lãnh đạo Belarus và Việt Nam đã có 3 chuyến thăm lẫn nhau kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo hai nước chúng ta nhận thức rõ các vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự hợp tác song phương. Chúng tôi hy vọng rằng, năm nay có thể tổ chức chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Belarus, chuyến thăm này sẽ trở thành một giai đoạn mới trong sự phát triển của quan hệ Việt Nam — Belarus.

Ngoài ra, quan hệ liên nghị viện đang được tăng cường. Vì vậy, vào cuối năm 2021, các nhóm nghị sĩ hữu nghị đã được thành lập. Sự tương tác đang được thực hiện giữa các cơ quan đối ngoại của hai bên, và các cuộc tham vấn giữa các Bộ Ngoại giao gần đây nhất đã được tổ chức vào tháng 1 năm 2022.

Cùng với đó, hai nước có sự phối hợp thành công trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm.

Belarus và Việt Nam đã hình thành một khuôn khổ pháp lý vững chắc, hơn 85 thỏa thuận đã được ký kết bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

Trong lịch sử, hai nước chúng ta duy trì quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực văn hóa. Tại Belarus, Việt Nam được biết đến với lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa phong phú, người Việt Nam luôn nồng hậu và mến khách. Phải thừa nhận rằng, đây là tình cảm đến từ hai phía.

Tháng 5 năm nay, Ngày Văn hóa Cộng hòa Belarus đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Những sự kiện này, vốn đã trở thành truyền thống, được tổ chức để đưa chúng ta lại gần nhau hơn, vì nghệ thuật không có ranh giới. Không quan trọng khi chúng ta có khoảng cách địa lý xa như thế nào, hay chúng ta nói ngôn ngữ nào, chúng ta vẫn hiểu nhau. Và chúng tôi không cần thông dịch viên!

Thật vui mừng khi khán giả và những người tham gia các sự kiện không chỉ là những người cảm nhận đất nước và văn hóa của chúng tôi với một chút hoài niệm, tôi cũng thấy nhiều người trẻ tuổi bắt đầu làm quen với đất nước của chúng tôi ở đó! Và tôi rất vui về điều này.

Chúng ta cũng đang nỗ lực phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điện ảnh. Tháng 5 năm nay, trước thềm những sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử Liên Xô cũ và Việt Nam, tại Hà Nội đã diễn ra buổi chiếu phim “Pháo đài Brest”. Tôi hy vọng rằng, đây sẽ là một khởi đầu tốt trong việc tổ chức các buổi trình chiếu theo chủ đề.

Nhằm tạo thêm động lực cho hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, Đại sứ quán đã đề xuất việc ký kết Thỏa thuận liên Chính phủ phiên bản mới và tổ chức Ngày Giáo dục Belarus tại Hà Nội vào ngày 15-16 tháng 6. Chúng tôi hy vọng rằng, Thỏa thuận được cập nhật sẽ đơn giản hóa đáng kể việc tiếp cận nền giáo dục Belarus.

Hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật hai nước cũng có những bước tiến nhất định. Lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam đã thăm nước chúng tôi hai lần vào năm 2022 và một lần vào năm 2023. Một Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực an ninh đã được ký kết giữa Bộ Công an và Ban Thư ký Nhà nước của Hội đồng An ninh Cộng hòa Belarus. Tháng 4 năm nay, lãnh đạo Bộ Các tình trạng khẩn cấp và Bộ Nội vụ Belarus đã đến thăm và làm việc tại Hà Nội.

Nhưng sự ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi trong quan hệ với Việt Nam là phát triển quan hệ thương mại và kinh tế. Vào tháng 3 năm ngoái, Kỳ họp lần thứ 15 của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật đã được tổ chức, trong đó nhiều lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn đã được mở ra. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp tục duy trì ổn định.

Nhiều mặt hàng của Belarus được biết đến rộng rãi tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua như xe ben khai thác mỏ tải trọng lớn BelAZ, xe tải MAZ, xe đầu kéo. Trong khi đó, người tiêu dùng Belarus đã quen thuộc với các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như lụa, hải sản, trà, cà phê. Thời gian gần đây, các sản phẩm vi mạch, thiết bị điện tử của Việt Nam mang thương hiệu “Made in Vietnam” được nhiều người biết đến. Nguồn cung trái cây Việt Nam còn nhiều tiềm năng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam đã tạo thêm động lực cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước chúng ta. Việc dỡ bỏ các rào cản đã giúp các sản phẩm sữa của Belarus có chất lượng cao và chủng loại đa dạng có thể thâm nhập thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rằng, thành tựu to lớn đó chính là việc duy trì tình hữu nghị chân thành và mức độ tin tưởng lẫn nhau nghiêm túc giữa người Belarus và người Việt Nam.

Vậy, những hạn chế nào mà chúng ta cần vượt qua để đưa quan hệ Việt Nam – Belarus lên tầm cao mới?

Các biện pháp trừng phạt và hạn chế bất hợp pháp do tập thể các nước phương Tây áp đặt đối với Belarus đã phá vỡ các tuyến đường truyền thống để vận chuyển sản phẩm của các doanh nghiệp Belarus và hệ thống thanh toán. Mọi thứ đều có thể thực hiện nếu có mong muốn hợp tác chân thành. Như năm vừa qua đã cho thấy, nhiều tuyến hậu cần đã được thay thế và tìm kiếm được phương thức thanh toán phù hợp. Điều này đã được kiểm chứng trên thực tế.

Để giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn trong tương lai, bên cạnh việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ truyền thống, cần tích cực thành lập các liên doanh trên lãnh thổ của hai nước chúng ta, điều này sẽ mở ra khả năng tiếp cận hàng hóa của hai nước vào thị trường ASEAN và EAEU.

Chúng tôi đang triển khai theo hướng này. Hiện đã có một số lĩnh vực đầy hứa hẹn.

Ngài đánh giá như thế nào về triển vọng sắp tới của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta? Những lĩnh vực hợp tác nào mà chúng ta nên thúc đẩy?

Ngày nay, quan hệ Belarus-Việt Nam đang trên đà phát triển tích cực: kim ngạch thương mại ổn định với triển vọng tăng trưởng hơn nữa, cùng với đó ghi nhận gia tăng hợp tác giữa các doanh nghiệp Belarus với các đối tác Việt Nam. Ngoài ra, việc thừa nhận các sản phẩm sữa của Belarus tại Việt Nam trong năm 2020 đã giúp tăng đáng kể xuất khẩu “sữa” của chúng tôi vào năm 2021. Các công việc chuẩn bị để xây dựng một nhà máy sản xuất các sản phẩm sữa từ nguyên liệu thô của Belarus cũng đang được tiến hành.

Tại Việt Nam, tùy thuộc vào hạn ngạch miễn thuế mà hoạt động của Liên doanh “MAZ Asia” đã cho phép xuất khẩu xe hơi, cũng như lắp ráp các bộ phụ tùng xe hơi ở một mức độ nội địa hóa sản xuất nhất định

Chúng tôi nhận thấy triển vọng trong việc quảng bá thịt bò không xương và thịt lợn của Belarus ở thị trường Việt Nam. Cùng với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm và các cơ quan chuyên ngành của Việt Nam, chúng tôi đang làm việc để được cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp Belarus trong ngành thịt.

Tôi thấy ở Việt Nam cũng có nhu cầu sử dụng các cơ sở thể thao của Belarus, cũng như mong muốn các vận động viên Việt Nam được tham gia các sự kiện thể thao quốc tế diễn ra trên lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong vấn đề này bằng mọi cách có thể.

Đồng thời, chúng tôi nhận thức được rằng, hợp tác trong lĩnh vực thương mại và kinh tế phải dựa trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng cường xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng truyền thống là trái cây và hạt.

Chúng tôi có nhiều ý tưởng mới và hướng đi đầy hứa hẹn. Tình hình hiện tại tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển của các quốc gia, tăng phúc lợi vật chất của nhân dân.

Tôi muốn chia sẻ thêm, chúng ta có một nền tảng vững chắc là tình hữu nghị trong thời kỳ Xô Viết. Nhưng thời gian trôi qua, thế hệ này đã được thay thế bằng thế hệ khác. Chúng ta cần những điểm hỗ trợ mới mà qua đó chúng ta sẽ phát triển mối quan hệ hữu nghị của mình. Và vì điều này, điều quan trọng là chúng ta phải giao tiếp thường xuyên hơn. Việc gia tăng mối quan hệ của chúng ta thông qua phát triển quan hệ kinh doanh và du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa và thực hiện các dự án giáo dục cho phép chúng ta trở nên gần gũi với nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Tôi tin rằng, những triển vọng hợp tác to lớn đang mở ra trước mắt chúng ta và tình hữu nghị truyền thống, chân thành của nhân dân hai nước là nền tảng xây dựng mối quan hệ Belarus-Việt Nam ngày càng phát triển năng động.

Xin cảm ơn ngài Đại sứ về cuộc trao đổi này. Chúc ngài Đại sứ có nhiệm kỳ công tác thành công tại Việt Nam, có nhiều đóng góp cho việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Belarus hiện tại và trong tương lai. Xin trân trọng cảm ơn.

Bản để in ấn

Belarusian Diplomatic Missions

All Missions Belarus' Foreign Ministry
Go to